Rối loạn lo âu ở người lớn
1. Rối loạn lo âu là gì?
– Đa số mọi người đôi khi cảm thấy lo âu và cảm giác lo âu là chuyện bình thường trong cuộc sống.
– Tuy nhiên, người cảm thấy lo âu quá thường xuyên, quá nhiều hoặc quá lâu có thể gặp chứng bệnh rối loạn cảm xúc gọi là Chứng Rối Loạn Cảm Xúc Lo Âu.
– Các chứng rối loạn cảm xúc lo âu là các bệnh tâm thần có thể khiến cuộc sống của người bệnh có quá nhiều điều phải lo ngại, e sợ, hoặc căng thẳng, sợ hãi dai dẳng thường xuyên và có thể trở nên ngày càng trầm trọng hơn nếu không được chữa trị.
– Đối với một số người, các chứng rối loạn cảm xúc lo âu trở nên quá nặng tới mức họ bắt đầu khó sinh hoạt bình thường ở nhà, tại sở làm hoặc trường học. Các chứng rối loạn cảm xúc lo âu là dạng bệnh tâm thần thường gặp nhất– khoảng 19 triệu người Mỹ thành niên mắc chứng bệnh này.
– Chứng rối loạn cảm xúc lo âu có thể chữa khỏi được! Để điều trị hiệu quả, phải bắt đầu bằng một kết quả chẩn đoán thích hợp cho căn bệnh. Ngoài đánh giá của các chuyên gia tâm thần, đa số các trường hợp đều cần phải được một bác sĩ khám qua để biết các lý do về sức khỏe thể chất có thể gây ra các triệu chứng đó.
2. Một số rối loạn lo âu thường gặp?
a. Rối loạn lo âu lan tỏa(hay lo âu toàn thể – genralized anxiety disorder)
Những người mắc chứng bệnh này quá lo lắng về gia đình, sức khỏe, việc làm hoặc các vấn đề khác ngay cả khi ít có nguyên nhân phải lo lắng như vậy. Họ có thể:
– Khó kiểm soát được mối lo âu của mình
– Cảm giác lo lắng và cáu gắt
– Nhức mỏi cơ thể, trong đó bao gồm cả đau đầu hoặc đau nhức ở nơi khác trên cơ thể mà không có nguyên nhân rõ ràng
– Mất ngủ và dễ bị mệt mỏi
b. Rối loạn hoảng sợ
Chứng bệnh rối loạn này có đặc điểm là các cơn lo âu, thường kéo dài chỉ trong vòng vài phút. Bệnh khởi phát bất ngờ với nỗi sợ hãi quá mức mà không có lý do rõ ràng, kèm theo một số đặc điểm sau đây:
– Ra mồ hôi, nhịp tim đập nhanh, run rẩy
– Thở dốc, tức ngực, choáng ngất
– Cảm giác sợ chết, trở nên điên dại, hoặc mất sự kiểm soát
– Tránh bất kỳ địa điểm hoặc tình huống nào liên quan tới những cơn lo âu
– Sợ giao tiếp–nỗi sợ hãi quá mức đối với việc có mặt tại nơi công cộng
c. Các lo âu ám ảnh sợ
Những người mắc căn bệnh này cảm giác sợ hãi và né tránh khi đối mặt với một đồ vật hoặc tình huống khiến họ hoảng sợ. Họ thường tránh những yếu tố dẫn tới nỗi sợ hãi của họ. Những nỗi sợ hãi này có thể gây trở ngại tới công việc, gia đình và các hoàn cảnh giao tiếp.
Các dạng bệnh sợ hãi thường gặp:
– Ám ảnh sợ xã hội – rất sợ bị lăng mạ trước mặt những người khác
– Ám ảnh sợ cụ thể – sợ hãi đối với các đồ vật hoặc tình huống cụ thể, ví dụ như sợ cầu thang máy hoặc sợ đi qua cầu
d. Rối loạn ám ảnh – cưỡng chế (OCD)
Những người mắc chứng bệnh OCD thường có những nỗi ám ảnh lặp đi lặp lại nhiều lần (ví dụ như những suy nghĩ về sự xâm phạm) khiến họ cảm thấy buồn bực và cực kỳ lo lắng.
Để bớt lo âu, họ thường có các hành vi lặp lại nhiều lần (các hành vi ép buộc), ví dụ như rửa tay quá kỹ hoặc kiểm tra các đồ vật cụ thể quá mức cần thiết….
Những người mắc bệnh OCD nhận thấy rằng hành vi lo lắng quá mức của họ là không có cơ sở, nhưng cảm thấy bất lực trong việc ngăn chặn những suy nghĩ đó.
e. Rối loạn stress sau chấn thương
– Chứng rối loạn này xảy ra ở những người đã gặp một sự kiện gây chấn thương nghiêm trọng như thiên tai, chiến tranh, tra tấn, đánh đập hoặc hãm hiếp…
– Họ tiếp tục gặp lại sự kiện chấn động đó qua những cơn ác mộng hoặc ký ức trở lại nhiều lần, những hồi tưởng, và tiếp tục rơi vào trạng thái cực kỳ mệt mỏi về thể chất, tâm thần và cảm xúc khi xuất hiện những tình huống nhắc họ nghĩ về sự kiện đó. Họ có thể cảm thấy bị tê liệt, rã rời, căng thẳng và trở nên quá thận trọng. Họ thường khó ngủ.
3. Nguyên nhân gây các rối loạn lo âu?
– Hiện tại người ta vẫn chưa hiểu rõ được nguyên nhân chính xác gây ra đa số các chứng rối loạn tâm thần.
– Nhìn chung, các chứng rối loạn tâm thần phát sinh từ cả yếu tố di truyền kết hợp với các yếu tố sinh học khác và các yếu tố môi trường. Trong gia đình có người mắc các chứng bệnh rối loại cảm xúc lo âu không phải là chuyện hiếm, đặc biệt là bệnh rối loạn ám ảnh- cưỡng chế.
4. Các rối loạn lo âu Được chữa trị như thế nào?
– Chứng rối loạn cảm xúc lo âu có thể được điều trị bằng biện pháp trị liệu tâm lý, thuốc men hoặc kết hợp cả hai.
– Có hai dạng trị liệu tâm lý hiệu quả là trị liệu hành vi, trong đó chú trọng tới việc thay đổi hành vi; và trị liệu nhận thức, trong đó hướng dẫn bệnh nhân hiểu và thay đổi cách suy nghĩ để có các phản ứng khác đối với các tình huống khiến họ cảm thấy lo âu.
– Thuốc men cũng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng lo âu.
5. Làm thế nào để được giúp đỡ?
– Nếu quý vị hoặc người nhà quý vị gặp một số triệu chứng rối loạn cảm xúc lo âu nói trên, hãy hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa của quý vị và đề nghị được khám kiểm tra và điều trị sức khỏe tâm thần thích hợp.
6. Tôi có thể tìm hiểu thêm thông tin ở đâu?
Phòng khám chuyên khoa tâm lí- tâm thần BSCK2 Nguyễn Văn Cầu
Website: http:// bacsicau.vn
Số điện thoại: 02513.827.189 – 02513.827.881 – 0913.941.291
Địa chỉ: 1501 (số cũ 382B) – KP5- Tân Tiến – Biên Hòa – Đồng Nai