TRỊ LIỆU TÂM LÝ
I. Tham vấn Tâm lý
1. Tham vấn là gì?
Tham vấn là quá trình tương tác (nói chuyện, trao đổi) giữa nhà tham vấn (người có chuyên môn, kĩ năng, người có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp) và thân chủ – là người có khó khăn trong cuộc sống cần được giúp đỡ, thông qua sự trao đổi, chia sẻ thân mật, chân tình (dựa vào nguyên tắc đạo đức và mối quan hệ mang tính nghề nghiệp) giúp thân chủ hiểu và chấp nhận thực tế của mình, tự tìm thấy tiềm năng bản thân để giải quyết vấn đề của chính mình.
2. Mục đích và vai trò của tham vấn
– Giúp thân chủ thay đổi trạng thái cảm xúc, hành vi tiêu cực, cải thiện và tăng cường các động cơ tích cực.
– Giúp thân chủ tăng cường hiểu biết về chính bản thân họ và hoàn cảnh của họ bằng cách cung cấp cho họ những thông tin có giá trị thích hợp, những giải thích có cơ sở.
– Giúp thân chủ đưa ra nhiều hướng giải quyết có thể thực hiện được và từ đó giúp họ lựa chọn giải pháp thích hợp nhất đối với hoàn cảnh và khả năng của họ.
– Giúp thân chủ đưa ra những quyết định đúng đắn dựa trên những thông tin mà nhân viên xã hội cung cấp, dựa trên khả năng của đối tượng cũng như tiềm năng hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài.
– Hỗ trợ cho thân chủ kịp thời trong thời gian khủng hoảng.
– Hỗ trợ đối tượng thực hiện các quyết định và đi đến giải quyết vấn đề họ đang mắc phải.
* Tóm lại: Mục đích tổng quát của tham vấn là giúp thân chủ tăng cường khả năng tự ứng phó với hoàn cảnh khó khăn không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai.
3. Các hình thức tham vấn
– Hình thức tham vấn trực tiếp:
Thân chủ và nhà tham vấn đối thoại với nhau một cách trực tiếp, nhà tham vấn dùng các kĩ năng của mình giúp thân chủ hiểu, nhìn nhận lại sự kiện một cách tích cực hơn, các nguyên nhân dẫn đến sự kiện đó khơi dậy những tiềm năng của thân chủ, để họ tự lựa chọn các giải pháp giải quyết vấn đề của chính mình .
– Tham vấn gián tiếp:
Thân chủ và nhà tham vấn không đối thoại trực tiếp mà thường thông qua khâu trung gian như qua báo chí, qua đài, qua điện thoại, qua internet…
4. Đối tượng tham vấn
– Tham vấn cá nhân:
Đối tượng tham vấn là một cá nhân, qua tham vấn, nhà tham vấn giúp cá nhân tháo gỡ được những vướng mắc đang gặp phải như tâm lý lo sợ, chán nản, muốn tự tử,…
– Tham vấn gia đình:
Là hình thức mà đối tượng làm việc của nhà tham vấn là các thành viên trong gia đình, cả gia đình ngồi lại cùng với nhà tham vấn để thảo luận những vấn đề trong gia đình, vấn đề đó có thể liên quan đến toàn bộ gia đình hay một bộ phận, xem xét mỗi thành viên nhìn nhận vấn đề như thế nào, nguyên nhân từ đâu ra và cần phải làm gì để giải quyết.
-Tham vấn nhóm:
Là hình thức mà đối tượng tham vấn là những cá nhân tuy không liên quan chặt chẽ với nhau nhưng cùng tập hợp lại để thông qua tham vấn đạt được mục đích nào đó . Ví dụ: tham vấn cho nhóm đồng đẳng – những người bị nhiễm HIV.
II. Tâm lý trị liệu (trị liệu tâm lý)
1/ Tâm lý trị liệu là gì?
Tâm lý trị liệu là những can thiệp nhằm giúp đỡ những con người có vấn đề khó khăn về mặt tinh thần trong đời sống. Các can thiệp này được thực hiện bởi những người có kiến thức và kỹ năng chuyên biệt gọi là nhà tâm lý trị liệu (psychotherapist).
2/ Mục đích của tâm lý trị liệu
Mục đích của tâm lý trị liệu là nhằm hướng đến việc giúp cho thân chủ hoặc những người bệnh vơi nhẹ những trải nghiệm đau khổ, khó khăn về tinh thần và đồng thời càng lúc càng gia tăng những cảm nhận tích cực về cuộc sống và về bản thân.
3/ Đối tượng của tâm lý trị liệu
-
Người lớn: người trưởng thành gặp phải các vấn đề khó khăn trong đời sống tinh thần. Đó có thể là các vấn đề như: khó khăn khi quyết định một việc quan trọng, mâu thuẫn và xung đột trong các mối quan hệ, những trải nghiệm cảm xúc tiêu cực, đương đầu với những sự kiện quá mức chịu đựng, những trạng thái tinh thần quá căng thẳng, quá đau khổ sau những sang chấn, mất mát, hoặc đôi khi đó là những cảm giác bất an, lạc lõng, trống vắng, chán nản, mất phương hướng…
-
Trẻ em: Trẻ mắc các chứng rối loạn phát triển về hoạt động tâm trí như trí tuệ, nhận thức, vận động, giao tiếp và quan hệ xã hội, khiến cho trẻ gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt, học tập và thích nghi với đời sống.
Trẻ sống trong môi trường gia đình có nhiều nguy cơ như quan hệ xung đột, bạo hành, sang chấn hoặc sự gắn bó mối quan hệ về cảm xúc với người thân không đầy đủ hoặc không phù hợp. Tất cả các trường hợp trên đều cần đến những can thiệp hỗ trợ chuyên biệt về tâm lý.