Rối loạn hoảng sợ (Panic disorder)
1.Định nghĩa
Rối loạn hoảng sợ ( panic disorder, bệnh hoảng sợ ) được đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ có tính chất kịch phát, xuất hiện đột ngột, sợ hãi vô cùng mạnh mẽ. Bệnh nhân có cảm giác ngột ngạt, khó thở như bị ghìm xuống nước, tưởng như sắp chết, cho rằng mình bị nhồi máu cơ tim, bị phát điên hoặc mất kiểm soát bản thân.
– Mặc dù cơn hoảng sợ đã đi qua nhưng nỗi lo và sự sợ hãi luôn luôn thường trực trong bệnh nhân làm người bệnh mất tự tin và phụ thuộc vào người khác vì lo lắng nếu cơn hoảng sợ lại xuất hiện thì không biết ai cứu mình.
– Người bệnh đã nhiều lần đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng khi được khám xét tại các chuyên khoa như tim mạch, tiêu hoá, thần kinh.. thì những cơ quan này của họ hoàn toàn bình thường. Và bệnh nhân thường được chẩn đoán là rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não, rối loạn thần kinh thực vật… Có gia đình nghĩ bệnh nhân bị bệnh ” Giả vờ” . Làm cho bệnh nhân sống trong buồn tủi và hoài nghi…
– Tỷ lệ bệnh:
Rối loạn hoảng sợ là một bệnh tâm thần khá phổ biến. Tỷ lệ bệnh trong dân chúng là 1,6%. Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam. Nhóm tuổi có tỷ lệ bệnh cao nhất là 25 – 45, tuy nhiên bệnh có thể gặp ở cả những người có tuổi cao hơn nhóm tuổi trên.
– Nguyên nhân:
Rối loạn hoảng sợ là do rối loạn hệ thống thần kinh giao cảm, rối loạn hệ GABA (vì thế các thuốc benzodiazepin có tác dụng cắt cơn hoảng sợ) và hệ thống serotonin (các thuốc chống trầm cảm cũng dùng để điều trị bệnh này). Nhưng nguyên nhân rõ ràng nhất là do rối loạn thông khí, dẫn đến tăng nồng độ CO2 trong máu. Thật ra, sự tăng thông khí ở bệnh nhân không phải là nguyên nhân gây ra cơn hoảng sợ kịch phát, mà chính là do CO2. CO2 dễ dàng đi qua hàng rào máu não, tác động lên thân não, gây ra tăng thông khí và cơn hoảng sợ kịch phát.
2.Triệu chứng của cơn rối loạn hoảng sợ. (panic disorder)
Cơn hoảng sợ kịch phát có một giai đoạn sợ hãi rất mạnh mẽ, với 4 (hoặc hơn) triệu chứng trong các triệu chứng sau xuất hiện và phát triển nhanh chóng trong khoảng 10 phút.
– Mạch nhanh trên 100 lần/phút, có thể tăng đến 160 lần/phút. Đánh trống ngực dữ dội (cảm thấy vỡ tung lồng ngực).
– Ra nhiều mồ hôI như tắm, mặc dù thời tiết không nóng.
– Run tay, run chân nên bệnh nhân thường gục ngay xuống đất.
– Cảm giác nghẹt thở như bị ai bóp cổ gây khó thở, thiếu không khí.
– Cảm giác thở nông, thở hổn hển nên thông khí kém.
– Đau hoặc khó chịu ở ngực trái khiến bệnh nhân nhầm với cơn nhồi máu cơ tim.
– Buồn nôn hoặc đau bụng nên dễ nhầm với viêm dạ dày.
– Cảm giác chóng mặt, mất thăng bằng, vì vậy bệnh nhân dễ ngã.
– Giải thể thực tế hoặc giải thể nhân cách nghĩa là bệnh nhân không còn cảm nhận đúng về thế giới xung quanh và bản thân trong khi nên cơn hoảng sợ.
– Sợ mất kiểm soát và phát điên, bệnh nhân cho rằng mình không còn kiểm soát được các ý nghĩ và hành vi của mình nữa.
– Sợ chết, bệnh nhân cho rằng mình chết đến nơi rồi.
– Cảm giác chết lặng, không cử động được.
– Lạnh cóng hoặc nóng bừng cơ thể.
Cơn rối loạn hoảng sợ (bệnh hoảng sợ) có thể phối hợp (hoặc không) với ám ảnh sợ khoảng trống (bệnh nhân sợ những nơi có khoảng trống rộng, những nơi xa lạ, không có chỗ thoát hoặc không có người giúp đỡ bệnh nhân. Ví dụ bệnh nhân sợ đi ra chợ, đi ra phố, sợ đi qua cầu một mình).
3. Điều trị rối loạn hoảng sợ
– Mục đích là cắt cơn hoảng sợ, chống tái phát cơn hoảng sợ, điều trị các lo âu, ám ảnh (nếu có).
– Bệnh nhân cần được điều trị nội trú khi cơn hoảng sợ kịch phát xuất hiện dày.
– Thường sau 8 tuần dùng thuốc cơn hoảng sợ không xuất hiện trở lại nữa, nhưng để chống tái phát thì thời gian dùng thuốc từ 18 đến 36 tháng, có bệnh nhân phải dùng thuốc kéo dài.
4. Lời khuyên thầy thuốc.
Khi bệnh nhân có những cơn hoảng sợ xuất hiện với nhũng triệu chứng như ngộp thở, tim đập nhanh, đau tức vùng ngực trái, có cảm giác sắp chết, cảm giác phát điên… rất giống với bệnh thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim. Mặc dù đi khám tim mạch nhiều lần cho kết quả tim mạch bình thường. Bệnh nhân hãy đến các cơ sở chuyên khoa sâu về tâm thần để khám và điều trị.
– Khi cơn rối loạn hoảng sợ xuất hiện thì bệnh nhân và nguời nhà cần làm gì?
+ Ngồi tại chỗ cho đến khi cơn hoảng sợ qua đi.
+ Tập trung vào việc chế ngự lo âu song không cần quan tâm đến các triệu chứng về cơ thể.
+ Tiến hành thở chậm, thư giãn, không thở quá sâu hay quá nhanh (tăng thông khí) vì có thể gây ra các triệu chứng cơ thể của cơn hoảng sợ. Việc kiểm soát nhịp thở làm giảm các triệu chứng cơ thể này.
+ Tự nhủ rằng đó là một cơn hoảng sợ, các cảm giác và ý nghĩ sợ hãi sẽ mau chóng qua đi. Chú ý vào thời gian đang trôi qua trên đồng hồ. Cảm giác của bệnh nhân có thể là lâu, nhưng thực ra chỉ kéo dài trong vài phút.
– Xác định những nỗi lo đã bị khuếch đại và xuất hiện trong cơn hoảng sợ là không phù hợp với thực tế (ví dụ bệnh nhân cho rằng mình bị nhồi máu cơ tim nhưng sự thực tim họ bình thường).
– Thảo luận cách đương đầu với nỗi lo trong cơn hoảng sợ đó (ví dụ bệnh nhân tự nhủ tôi không bị nhồi máu cơ tim, đó chỉ là một cơ hoảng sợ và sẽ qua đi trong vài phút).
– Các nhóm tự giúp đỡ lẫn nhau có thể giúp bệnh nhân chế ngự được cơn hoảng sợ và vượt qua
được cơn sợ hãi của mình.
Kết luận :
– Rối loạn hoảng sợ (Panic disorder) là một bệnh lý thuộc nhóm bệnh Rối loạn lo âu của chuyên khoa tâm thần.
– Biểu hiện bệnh là những cơn sợ hãi hết sức mạnh mẽ làm người bệnh có cảm giác như từ cõi chết trở về. Tuy cơn sợ hãi qua đi nhưng người bệnh luôn sống trong sự lo lắng mất tự tin và sống phụ thuộc tinh thần vào người khác.
– Bệnh rất giống những bệnh lý cấp cứu nội khoa. Vì vậy nhiều khi gây khó khăn cho chẩn đoán và điều trị.
– Việc điều trị cần kiên trì và theo sự hướng dẫn của Bs chuyên khoa Tâm thần.