Bệnh rối loạn cơ thể hóa

Các triệu chứng cơ thể của bệnh rất da dạng, phong phú; cũng có thể chỉ tập trung vào một hoặc hai cơ quan, bộ phận như: tiêu hoá, tim mạch, hô hấp, thần kinh thực vật

Rối loạn cơ thể hoá là rối loạn được biểu hiện chủ yếu bằng các triệu chứng cơ thể (ban đầu là các triệu chứng chức năng, nếu kéo dài có thể có cả các triệu chứng thực tổn). Các triệu chứng này rất đa dạng, thường xuyên biến đổi…ít nhiều chịu tác động của các yếu tố căng thẳng tâm lý. Bệnh nhân luôn tin là mình mắc một bệnh cơ thể thực sự mặc dù đi khám bệnh và làm xét nghiệm nhiều lần đã cho kết quả âm tính.

Tỉ lệ hiện mắc của rối loạn cơ thể hoá là 0,2-2% ở nữ giới và 0,2% của nam giới.

 

Hãy liên hệ với PKBSCK2 Nguyễn Văn Cầu để được khám và điều trị sớm:

 

– Bác sĩ uy tín, nhiều kinh nghiệm           – Không cần đi lại nhiều (khám bệnh online)

– Chọn bác sĩ thăm khám theo yêu cầu  – Chăm sóc, tư vấn, trị liệu đến khi khỏi bệnh

– Chi phí hợp lí                                              – Tiết kiệm thời gian     

GẶP BÁC SĨ     0913.941.291

 

Đặc điểm lâm sàng bệnh rối loạn cơ thể hóa

– Các triệu chứng cơ thể rất da dạng, phong phú; cũng có thể chỉ tập trung vào một hoặc hai cơ quan, bộ phận như: tiêu hoá, tim mạch, hô hấp, thần kinh thực vật v.v…

– Nét chính là các triệu chứng cơ thể luôn thay đổi, tái diễn. Những triệu chứng phổ biến nhất là những cảm giác ở dạ dạy – ruột (đau, ói, ợ, nôn, buồn nôn v.v…), cảm giác da khác (ngứa, cháy bỏng, tê cóng, đau đớn v.v…). Các phàn nàn về tình dục và kinh nguyệt cũng thường gặp.

– Trầm cảm và lo âu thường có; tiến triển của rối loạn là mạn tính và giao động.

– Rối loạn phổ biến ở nữ nhiều hơn nam, và thường bắt đầu sớm ở tuổi thành niên.

– Người bệnh thường xuyên đi khám bệnh, từ chuyên khoa này đến chuyên khoa khác mặc dù các xét nghiệm đều âm tính và các thầy thuốc đã giải thích nhiều lần là không có bệnh cơ thể.

– Nếu có bất kỳ rối loạn cơ thể nào, thì chúng cũng không giải thích được bản chất và phạm vi của các triệu chứng hoặc sự khó chịu và bận tâm của bệnh nhân. Bệnh nhân thường chống lại những cố gắng muốn thảo luận về khả năng có nguyên nhân tâm lý.

– Trong các rối loạn này, thường có hành vi gợi sự chú ý, đặc biệt có những bệnh nhân tức giận vì không thuyết phục được bác sĩ tin rằng bản chất bệnh mình là bệnh cơ thể và cần được khám xét thêm.

– Một số bệnh nhân quan tâm đến việc điều trị để làm giảm nhẹ các triệu chứng, nhưng số khác lại lo mình bị mắc một bệnh cơ thể, thường là nặng, khó chữa nằm bên dưới các triệu chứng hiện có.

Chẩn đoán bệnh rối loạn cơ thể hóa

Chẩn đoán xác định

Lâm sàng

Chẩn đoán xác định đòi hỏi: Phải có 6 trong các triệu chứng sau và các triệu chứng phải luôn thay đổi, xảy ra trong ít nhất 02 nhóm:

– Các triệu chứng tiêu hoá:

+ Đau bụng

+ Buồn nôn, nôn hoặc trào ngược thức ăn.

+ Cảm giác đầy bụng hoặc chướng hơi hay trung tiện.

+ Có vị khó chịu trong miệng hoặc lưỡi bẩn.

– Các triệu chứng tim mạch:

+ Khó thở khi không gắng sức.

+ Đau vùng ngực

– Các triệu chứng tiết niệu sinh dục.

+ Rối loạn tiểu tiện hoặc phàn nàn vì hay đi tiểu.

+ Có cảm giác khó chịu trong hoặc xung quanh vùng sinh dục.

+ Phàn nàn vì ra dịch âm đạo bất thường.

– Các triệu chứng trên da và cơ khớp

+ Rối loạn sắc tố hoặc nhiễm trùng trên da.

+ Đau ở các chi, các đầu ngón tay và chân hoặc các khớp.

+ Cảm giác kim châm hoặc tê rất khó chịu trên da.

Ít nhất 2 năm phàn nàn về những triệu chứng cơ thể nêu trên mà không tìm thấy một giải thích thoả đáng nào về mặt cơ thể (bất kỳ một rối loạn cơ thể nào tính cho đến thời điểm hiện tại cũng không thể giải thích được mức độ trầm trọng, phạm vi, sự đa dạng và tính dai dẳng của các triệu chứng cơ thể). Nếu xuất hiện một số triệu chứng rõ ràng do kích thích thần kinh thực vật, thì chúng không phải là đặc trưng chính và chúng cũng không tồn tại dai dẳng hoặc làm bệnh nhân suy sụp.

Các triệu chứng đó gây ra sự khó chịu dai dẳng và dẫn đến bệnh nhân phải đi khám nhiều lần (3 lần trở lên) hoặc tự ý dùng thuốc dai dẳng, bệnh nhân thường được những nhân viên chăm sóc sức khoẻ hoặc do bác sĩ chuyên khoa chỉ định làm một loạt xét nghiệm.

Từ chối dai dẳng sự đảm bảo của y học rằng không có nguyên nhân về mặt cơ thể nào phù hợp với các triệu chứng cơ thể đó.

Cận lâm sàng:

Các xét nghiệm loại trừ các bệnh cơ thể bên dưới tương ứng với các triệu chứng đều âm tính.

Chẩn đoán phân biệt:

Cần chẩn đoán phân biệt rối loạn cơ thể hoá với các rối loạn:

Các rối loạn cơ thể:

Các bệnh lý nội khoa như xơ cứng rải rác, nhược cơ, lupus ban đỏ, AIDS, cường giáp trạng, cường đối giao cảm v.v… cần phải khám lâm sàng và làm xét nghiệm để loại trừ. Nếu bệnh khởi phát ở bệnh nhân trên 40 tuổi, trước tiên phải nghĩ đến nguyên nhân thực thể.

Các rối loạn lo âu và trầm cảm:

Trong rối loạn lo âu và trầm cảm thì lo âu và trầm cảm đủ rõ rệt và dai dẳng và còn kèm theo các triệu chứng khác của lo âu và trầm cảm. Điều trị bằng các thuốc giải lo âu và thuốc chống trầm cảm bệnh thuyên giảm rõ rệt.

Rối loạn nghi bệnh:

Các triệu chứng thường chỉ tập trung vào một số hệ thống cơ quan nội tạng, bệnh nhân chỉ bận tâm vào một số rối loạn cơ thể và tin vào khả năng bị một bệnh cơ thể nằm bên dưới các triệu chứng. Trong khi đó sợ uống thuốc và tác dụng phụ của thuốc và tìm kiếm sự trấn an bằng cách thường xuyên đến khám tại các thầy thuốc khác nhau.

Các rối loạn hoang tưởng:

Các hoang tưởng về cơ thể trong tâm thần phân liệt, hoang tưởng nghi bệnh trong các rối loạn trầm cảm có loạn thần v.v… thì các triệu chứng cơ thể ít có tính chất cố định hơn, tính chất lạ kỳ của những điều bệnh nhân tin là điển hình nhất của các rối loạn hoang tưởng.

Điều trị bệnh rối loạn cơ thể hóa

Nguyên tắc điều trị

Dành cho bệnh nhân một thời gian để họ kể bệnh một cách tường tận. Giải thích cho bệnh nhân về các cơ chế của bệnh.

Thoả thuận một kế hoạch điều trị thống nhất với bệnh nhân và những người khác có liên quan.  An ủi bệnh nhân một cách hợp lý (ví dụ: đau bụng không có nghĩa là bị ung thư).

Thảo luận về những stress tâm lý liên quan đến sự xuất hiện các triệu chứng. Khuyên bệnh nhân không chờ đến khi các triệu chứng mất hết rồi mới trở lại các hoạt động ngày thường.

Điều trị dược lý

– Thuốc chỉ có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng. Các bệnh nhân rối loạn dạng cơ thể thường nhạy cảm với các tác dụng phụ.

– Các thuốc giải lo âu (Benzodiazepine) chỉ nên dùng cho các chỉ định đặc biệt cần đề phòng lạm dụng thuốc.

– Các thuốc chống trầm cảm: 3 vòng amitriptylin 25-50mg/ngày và các thuốc chống trầm cảm mới: sertraline 50mg/ngày, mirtazapine 30mg/ngày….

– Tránh dùng các thuốc giảm đau không cần thiết.

– Nếu bệnh nhân có cường giao cảm rõ rệt có thể dùng liều thấp thuốc chẹn bêta như propranolol 10-20mg.

– Trong các rối loạn cơ thể hoá mạn tính, đôi khi gợi ý dùng các thuốc chống loạn thần mới liều thấp dogmatil 50-100mg/ngày.

Liệu pháp tâm lý:

Nhằm mục đích giúp bệnh nhân giải quyết các xung đột nội tâm hoặc tạo cảm giác thư thái, giúp kiểm soát các triệu chứng cũng như tình trạng lo âu.

– Liệu pháp thư giãn luyện tập có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng liên quan đến sự căng thẳng.

– Liệu pháp tâm lý nhóm tạo ra những nâng đỡ và quan hệ xã hội cần thiết để giúp người bệnh vượt qua những khó khăn về tâm lý.

– Liệu pháp giải thích hợp lý: thảo luận với bệnh nhân về bản chất và căn nguyên gây bệnh, giúp được người bệnh nhận biết được các triệu chứng và từng bước loạn bỏ chúng, hướng dẫn họ cách ứng phó với một bệnh mạn tính và tuân thủ chế độ điều trị.

Tiên lượng bệnh

– Tiến triển phụ thuộc vào nhận biết sớm và điều trị kịp thời.

– Bệnh có thể diễn biến thành bệnh cơ thể tâm sinh

Phòng bệnh rối loạn cơ thể hóa

– Tăng cường sức khoẻ thể chất bằng tập luyện thể dục thể thao, tập dưỡng sinh, chế độ ăn hợp lý và đủ dinh dưỡng.

– Xây dựng lối sống lành mạnh, giảm thiểu các tình huống stress trong gia đình, cơ quan có ảnh hưởng đến cuộc sống khỏe.

– Tăng cường truyền thông giáo dục sức cho cộng đồng hiểu về bệnh tâm thần, nhất là các rối loạn dạng cơ thể để bệnh nhân và gia đình hiểu về bệnh và phối hợp điều trị tốt.

Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai

Leave a Reply